Trải qua gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã có bước phát triển quan trọng trong nhận thức về dân chủ. Quan niệm về dân chủ được mở rộng. Dân chủ được xem xét theo nhiều khía cạnh: dân chủ vừa là chế độ chính trị, vừa là giá trị, là phương thức và nguyên tắc tổ chức xã hội; dân chủ trong cả xã hội và dân chủ đối với mỗi cá nhân; coi trọng cả dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế và dân chủ trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, dân chủ không chỉ là một mục tiêu của xã hội chủ nghĩa, mà còn là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Xây dựng xã hội dân chủ trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân. Nhà nước đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng. Mọi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Xác định các hình thức tổ chức và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, cùng với đổi mới hệ thống chính trị, Đảng xác định phải thực hiện các cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước. Phải dân chủ từ cơ quan lãnh đạo cao nhất nước đến cấp cơ sở, trong đó đặc biệt quan trọng là dân chủ ở cơ sở, bởi vì nơi có hệ thống chính trị cơ sở được coi là Đảng và Nhà nước “ở trong lòng dân”. Phải hoàn thiện cả dân chủ trực tiếp và dân chủ thông qua đại diện; thực hiện dân chủ trong quá trình chuẩn bị ra các nghị quyết và tổ chức thực hiện các quyết định, có cơ chế để nhân dân làm chủ thông qua các cơ quan dân cử, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp; làm chủ trực tiếp ở cơ sở bằng các hình thức nhân dân tự quản, bằng các quy ước tại cơ sở phù hợp với pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng; khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để làm tổn hại lợi ích của nhà nước và lợi ích của công dân, kiên quyết bác bỏ luận điệu sai trái về dân chủ, nhân quyền của các thế lực phản động, thù địch.
Đại hội VI Đảng ta nhận thức rằng “…phải tạo bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học... Cơ chế vận hành của chế độ ta là “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”. Nhà nước ta là công cụ của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức thành cơ quan quyền lực chính trị. Trong thời kỳ quá độ, nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội VII của Đảng rút ra bài học kinh nghiệm “tiếp tục phát huy ngày càng sâu rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng để phát huy dân chủ đúng hướng và đạt kết quả thì quá trình đó phải được lãnh đạo tốt, có bước đi vững chắc phù hợp với tình hình chính trị, xã hội nói chung. Có như vậy mới thực sự đảm bảo được quyền làm chủ của nhân dân, động viên toàn dân hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chạy theo những đòi hỏi dân chủ cực đoan, thực hiện dân chủ mà không gắn liền với kỷ luật, kỷ cương hoặc không tính toán đầy đủ đến tình hình chính trị, xã hội thì mọi ý định tốt đẹp về phát huy dân chủ không thể thực hiện thành công, ngược lại sẽ đem đến những hậu quả làm tổn hại lợi ích của nhân dân”.
Để đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa “vấn đề mấu chốt là phân định rõ chức năng và giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân”; kiên quyết chống quan liêu, chống những hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời phê phán và khắc phục những khuynh hướng lệch lạc khác. Phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, đổi mới tổ chức và cán bộ. “Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực chất của việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới”. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ về kinh tế. Đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị là tiền đề để thực hiện dân chủ và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân.
Cương lĩnh được Đại hội VII của Đảng thông qua xác định mô hình chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta sẽ xây dựng với 6 đặc trưng, trong đó đặc trưng thứ nhất là do nhân dân lao động làm chủ. Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã chủ trương đưa dự thảo Văn kiện Đại hội VIII để nhân dân thảo luận, góp ý kiến rộng rãi.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng xác định mục tiêu chủ yếu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của công dân. Đảng ta khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Để phát huy dân chủ thực sự, nhất là ở cơ sở, Đại hội chủ trương xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (6/1997) đã thông qua Nghị quyết quan trọng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Bộ Nội vụ tổ chức Toạ đàm "cơ sở khoa học xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cớ sở " (sưu tầm)
Đại hội IX đưa vào mục tiêu chung của thời kỳ quá độ nước ta là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội chủ trương thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các cấp, các ngành, gắn thực hiện dân chủ với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội XI của Đảng khẳng định tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Cán bộ công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức. Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết. Đại hội tiếp tục khẳng định chủ trương gắn việc thực hiện dân chủ với thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo vừa là đảm bảo dân chủ, đồng thời cũng bảo đảm cơ sở đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc đổi mới.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và “do nhân dân làm chủ” là 2 trong 8 đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong 8 phương hướng cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược đến giữa thế kỷ XXI và mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với tư cách là mục tiêu của sự phát triển đất nước, dân chủ được đưa lên trước công bằng để trở thành mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định trong nhiệm kỳ tới: Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân. Cụ thể hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo tinh thần quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định, quy chế khác. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và coi trọng đạo đức xã hội. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Cấp ủy, các tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực chính trị-xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức...
Để cụ thể hóa chủ trương trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản lãnh đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Chỉ thị số 30-CT/TWngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủở cơ sở;Thông báo số 304-TB/TW ngày 22/6/2000 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TWngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Thông báo kết luận số 159-TB/TW ngày 15/11/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và tiếp tục chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TWngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước.
Nhà nước ban hành chính sách pháp luật về thực hiện dân chủ đối với các loại hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp. Đối với xã, phường, thị trấn: Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày11/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã; Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ về quy chế thực hiện dân chủ ở xã và áp dụng đối với phường, thị trấn; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đối với cơ quan: Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với doanh nghiệp: Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/2/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước; Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở nơi làm; Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày07/11/2018 Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao độngvề điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2022. Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như vậy, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thực tiễn cách mạng cho thấy bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của nền dân chủ nước ta ngày càng thể hiện sinh động, cụ thể trong cuộc sống của nhân dân. Người dân Việt Nam thấu hiểu những giá trị to lớn của độc lập, tự do, dân chủ, hiểu rõ quyền con người và cũng nhận rõ “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”.
Tuy nhiên, tình hình thế giới và trong nước vẫn đang có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt, dân chủ, nhân quyền vẫn là chiêu bài mà chúng dùng để lợi dụng kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đứng trước những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, chúng ta cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TWngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cơ quan ban hành văn bản thực hiện Luật như: Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc cấp kinh phí cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Hội đồng nhân dân các cấp ban hành Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn; các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời không ngừng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách về thực hiện dân chủ ở cơ sở cho phù hợp với điều kiện hiện nay; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.