Việc hình thành chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân là một quá trình tìm tòi, đổi mới tư duy, sáng tạo không ngừng trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước được khởi đầu từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986).
Trải qua các kỳ đại hội, cải cách hành chính nhà nước luôn được khẳng định là một chủ trương nhất quán, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong lãnh đạo tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Ở từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước có các biện pháp cụ thể nhằm cải cách, đổi mới nền hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng về cải cách hành chính, tạo nền tảng tư tưởng chính trị, định hướng cho việc xây dựng nền hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 xác định 3 đột phá chiến lược; trong đó có 2 nội dung định hướng quan trọng đối với xây dựng nền hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo phát triển. Đó là:
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ... Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành;
Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực,... Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân. Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành một số nghị quyết chuyên đề, đây là định hướng chính trị quan trọng để Chính phủ ban hành chương trình hành động, triển khai thực hiện cải cách hành chính nhà nước của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, hoặc theo từng chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, thông suốt từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp. Các chương trình này đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình triển khai các chương trình cải cách hành chính tổng thể, có tính chiến lược, trong từng giai đoạn cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, quyết định, chỉ thị để triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính trên các lĩnh vực trọng tâm, cấp bách, như cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ, công chức; phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số... Trên cơ sở đó, cải cách hành chính được triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực của nền hành chính từ Trung ương đến địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.