Sau những chính sách điều chỉnh hiệu quả của Trung ương và địa phương, tình trạng “sốt đất ảo”, phân lô bán nền trái quy định của pháp luật hiện nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát. Những hệ quả của giai đoạn trước để lại bài học lớn cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Hậu quả những cơn "sốt đất"
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi trở lại khu vực đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm), nơi giai đoạn từ năm 2018 đến 2021 từng diễn ra tình trạng "sốt đất". Những tấm pa nô, biển hiệu sàn giao dịch bất động sản (BĐS) như nấm thời ấy giờ đã trơ khung, nhạt màu, tả tơi. Những dải đất từng được thổi giá bạc tỷ, nay cỏ mọc lấp đầy, cọc bê tông cắm phân lô trơ trọi giữa nắng cháy.
Ông Nguyễn Văn Toàn (xã Cam Hải Tây, Cam Lâm) cho biết, trước đây, đất khu vực này chủ yếu để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… giá tầm 5 triệu đồng/m2, nhưng thời điểm sốt đất năm 2019, giá đất được thổi lên đến 20 - 30 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp cũng có giá trên dưới 1 tỷ đồng/sào. Các khu vực mặt đường trung tâm thị trấn Cam Đức được đẩy lên gấp 5 lần, trung bình 1,5 tỷ đồng/1 mét ngang. Thời điểm đó, thấy kiếm tiền dễ dàng, nhiều người chuyển sang làm môi giới, đầu tư BĐS. Sau vài lần trúng đậm, nhiều người mạo hiểm dồn hết tiền bạc, thế chấp nhà cửa để vay ngân hàng đầu tư. Khi cơn "sốt đất" qua đi, nhiều người "ôm đất" không giao dịch được, mà lãi ngân hàng vẫn phải trả đều. Chị Đặng Thị Loan - từng làm việc cho một công ty BĐS ở khu vực đầm Thủy Triều chia sẻ, ban đầu, người mua đất ở khu vực này chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phố phía bắc. Họ thu gom mọi loại đất với giá rất cao cùng tin đồn về dự án lớn sắp đầu tư. Người sau mua cao hơn người trước, dẫn đến tình trạng đất bị “thổi giá” quá mức. Rồi khi “bong bóng” BĐS vỡ, người mua cuối cùng là người ôm nợ.
|
Công trình xây dang dở ở khu vực đầm Thủy Triều. |
Chúng tôi ngược về xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) bắt gặp những khu vực trơ trọi với ma trận cọc bê tông phân lô các thửa đất. Bà Đặng Quỳnh Anh (thôn Nước Nhĩ, xã Khánh Phú) cho biết, giai đoạn 2020 - 2021, giá đất khu vực này từ 2 - 5 triệu đồng/m2 tăng lên 10 triệu đồng/m2; có thời điểm 1 sào đất được định giá 1 - 2 tỷ đồng. “Nhưng cả năm nay, không thấy có môi giới đến săn tìm đất như trước. Bây giờ nghe đến đất đai là mọi người đều ái ngại, nhiều trường hợp nợ nần, bị lừa đảo, mất nhà, vợ chồng ly tán đều liên quan đến đất đai”, bà Anh buồn bã nói.
Tăng cường quản lý đất đai
|
Khu vực đầm Thủy Triều từng diễn ra tình trạng "sốt đất". |
Ông Phan Việt Hoàng - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS tỉnh cho rằng, giá trị đất đai tăng bền vững phải dựa trên nền tảng phát triển kinh tế ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Giá đất biến động mạnh nhất là giai đoạn 2019 - 2021 một phần do tâm lý đám đông, trào lưu “bỏ phố về vườn” và lãi suất ngân hàng còn thấp. Nhưng khi cơn "sốt đất" qua đi, nhiều người đầu cơ kiệt quệ khi gánh nặng tài chính quá lớn vì "ôm đất". Đến nay, nhiều người vẫn chưa thực hiện được các quyền của người sử dụng đất do mua các lô đất trong những dự án có sai phạm. Sau khi Nhà nước có những điều chỉnh phù hợp, ở các khu vực từng "sốt đất", hiện nay, giá đất đã dần bình ổn, sát hơn với thực tế. Đồng thời, bộ phận lớn người dân đã thay đổi suy nghĩ rằng, đất đai vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, nhưng không phải là duy nhất và cũng dễ bị tác động khi có sự điều chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước.
|
Khu vực ở xã Khánh Phú qua thời "sốt đất" chỉ còn lại cọc bê tông trơ trọi. |
Sau giai đoạn sốt đất 2019 - 2021, các địa phương trên địa bàn tỉnh như: TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm… đã ban hành nghị quyết tăng cường công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; công bố công khai minh bạch các quy hoạch, thông tin về dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để người dân biết và thực hiện, nhờ đó hạn chế việc lợi dung sự thiếu thông tin của người dân để gây tình trạng “sốt đất ảo” nhằm trục lợi.
Ông Trần Xuân Tây - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cam Lâm thẳng thắn nhìn nhận, qua giai đoạn sốt đất 2018 - 2021 đã để lại những bài học lớn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện. Do đó, ngày 2-12-2021, Huyện ủy Cam Lâm ban hành Nghị quyết số 09 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. “Từ khi Nghị quyết số 09 được huyện triển khai đến nay đã đạt được mục tiêu đề ra trong quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn; đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch và kết cấu hạ tầng; sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch, đúng mục đích và tuân thủ quy định của pháp luật. Trên địa bàn huyện không để phát sinh vi phạm và các điểm nóng khiếu kiện về đất đai và trật tự xây dựng”, ông Tây thông tin.
Ông TRẦN HÒA NAM - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả, tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp trong khu vực quy hoạch có các dự án lớn, mang tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển, như: Khu Kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh; khu đô thị sân bay Cam Lâm; khu đô thị ven vịnh Cam Ranh... để đảm bảo quỹ đất phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý đất đai tại UBND xã, phường, thị trấn, các dự án đầu tư có sử dụng đất và các cơ quan liên quan, nhất là đối với những cơ quan, địa phương thường xuyên để xảy ra các hành vi vi phạm trong quản lý đất đai; giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc tách, hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất công, đất nông nghiệp, đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản; chấm dứt tình trạng phân lô, bán nền trái quy định của pháp luật. UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm rà soát, kiểm kê chặt chẽ, sử dụng hiệu quả quỹ đất do các đơn vị, địa phương hiện đang quản lý. Hàng năm phải thành lập các đoàn thanh, kiểm tra đất đai trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng đất không đúng với quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, xem xét, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả triệt để đối với các trường hợp vi phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.
THÁI THỊNH